Kỹ thuật kể chuyện “lấy lòng” nhà tuyển dụng

Từng bước, từng bước… tạo sự “kịch tính” cho câu chuyện tổng thể.

Khi bạn trả lời phỏng vấn tuyển dụng, điều bạn đang làm là chia sẻ thông tin về bản thân và đưa ra những lý do thuyết phục nhà tuyển dụng lựa chọn bạn. Như vậy, về mặt lý thuyết, storytelling sẽ giúp nhà tuyển dụng:

Muốn nghe thông tin từ bạn
Dễ tiếp nhận thông điệp bạn muốn nói
Bị ấn tượng bởi bạn nhiều hơn (thậm chí “quý” bạn hơn).
Định nghĩa về “Storytelling” có đầy rẫy trên google. Tôi tạm định nghĩa “Storytelling” là “kể chuyện”, truyền tải một thông điệp nhất định thông qua hình thức một “câu chuyện”, khiến cho người nghe bị cuốn hút và muốn lắng nghe và dễ tiếp nhận thông điệp từ bạn hơn rất nhiều.
Về mặt lý thuyết là vậy, còn thực tế phải làm như thế nào, thì tôi mong bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn ít nhiều trong chuỗi ngày phỏng vấn sắp tới (Hình như là lại sắp đến đợt các tập đoàn tuyển nhân sự rồi các chương trình học bổng cũng bắt đầu mở đơn…).
Trong bài viết này, tôi tạm lấy trường hợp là phỏng vấn khi đi xin việc làm. Còn những hình thức phỏng vấn khác, ví dụ phỏng vấn apply cho học bổng, cũng hoàn toàn có thể áp dụng. Tôi sẽ cố gắng “đá” sang mảng đó nếu có thể.
Bài viết được thực hiện dựa trên cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu, tham khảo nhiều nguồn, kết hợp với kinh nghiệm và tư duy từ bản thân. Kiến thức tôi nghĩ cũng khá là thông thường và đại chúng, do đó nếu bạn nào hiểu biết nhiều hơn tôi thì vui lòng chia sẻ thêm để tôi bổ sung và chỉnh sửa bài viết cho hiệu quả và có ích hơn.
I. Kỹ thuật Monomyth ( aka “The hero’s journey” – Hành trình của người anh hùng”)

1.1. Định nghĩa

Bạn có nhận ra bộ phim Lion King không ^^
Đây là kỹ thuật kể chuyện cơ bản và phổ biến nhất, xuất hiện rất nhiều trong những câu chuyện cổ tích và vô số bộ phim chúng ta đã từng xem.
Đại ý là có 1 nhân vật, vì lý do nào đó buộc phải rời bỏ làng quê/ nơi thân thuộc/ comfort zone, dấn thân vào nơi xa lạ và nguy hiểm, vượt qua nhiều thử thách để rồi trở nên trưởng thành hơn. Trưởng thành rồi thì nhân vật đó trở về ngôi nhà của mình, giúp đỡ cộng đồng và những người xung quanh…
1.2 Ứng dụng

Bạn sẽ dùng phương pháp này khi muốn đạt được một trong số những mục đích sau:
Gắn kết người nghe vào cuộc hành trình của bạn, những trải nghiệm bạn đã có
Muốn người nghe cảm nhận được ích lợi và giá trị của việc dám bước ra khỏi vùng “an toàn” (comfort zone) và dám dấn thân làm những điều mới lạ
Muốn khoe những kinh nghiệm hoặc giá trị mà bản thân mình đã thu nhận được.
1.3 Áp dụng cho trả lời phỏng vấn

Nếu bạn đọc lại 3 điều ở mục 1.2, thì sẽ thấy phương pháp này rất tốt để ứng dụng trả lời cho một số câu hỏi phỏng vấn kinh điển như:
“Hãy nói về bản thân bạn”
(Câu mở đầu kinh điển cho mọi cuộc phỏng vấn)
Lúc này, bạn là nhân vật người hùng trong chính câu chuyện của bạn, và bạn có thể kể lại quá trình làm việc từ trước tới giờ của bản thân, đồng thời là quá trình trưởng thành: phải bước ra khỏi vòng an toàn, làm những điều mới lạ (vì một lý do gì đó), vượt qua nhiều thử thách để rồi có được ngày hôm nay.
Nếu tôi trả lời phỏng vấn, sẽ có 2 trường hợp xảy ra:
TH1: “trước đây tôi học bách khoa, cơ mà bị đúp 7 năm mới ra được trường ( 2 tuần nữa là tròn 2 năm tôi nhận bằng tốt nghiệp đại học). Nhận ra nghề kỹ sư thực sự không hợp với nguyện vọng cá nhân, tôi quyết định ra đi tìm đường cứu thân, tìm công việc mới. Trước đây tôi từng đi làm ở xxx, vị trí yyy, đạt được những thành tích zzz. Giờ tôi muốn tìm một công việc (sáng tạo/ năng động/ thử thách/ nhiều tiền/ văn phòng có nhiều gái xinh) hơn, nên mới quyết định ứng tuyển vào quý công ty.”
TH2: “(từ chỗ đúp BK 7 năm đến khi muốn tìm công việc mới…) và tôi quyết định chọn quý công ty là nơi dừng chân đầu tiên, bởi vì tôi nhận ra ở quý công ty có (cái lọ cái chai)”
Một số lưu ý:
Như bạn thấy, ở cả 2 ví dụ, tôi đều có 1 mở đầu và có 1 cái kết cho câu chuyện của mình. Mở đầu thì giống nhau. Ở ví dụ 1, cái kết của tôi là “lựa chọn hành trình mới”, còn ở ví dụ 2, cái kết của tôi là “chọn nơi đây là hành trình đầu tiên”.
Ngoài ra, ở cả 2 ví dụ, tôi đều lồng những dẫn chứng để khoe khoang về bản thân: Ở ví dụ 1: tôi tranh thủ khoe được rằng tôi là người dám làm (vì dám bước ra khỏi comfort zone), mà đã làm thì còn có thành tích, có kinh nghiệm (cty x, vị trí y, thành tích z), tăng sự tự tin và hấp dẫn cho bản thân Ở ví dụ 2: tôi thể hiện tôi có mục đích cụ thể, có quyết tâm dám làm thứ mới lạ và thử thách.
Và ở cả 2 ví dụ, tôi đều nêu ra lý do lựa chọn công ty mà mình đang phỏng vấn (cố gắng đừng quên ý này).
Đến đây nhiều bạn hỏi bí quyết để khiến câu chuyện của mình hay và hấp dẫn hơn là gì?
Câu trả lời nằm ở “sự xung đột” và “cách giải quyết xung đột”. Mọi câu chuyện thường được hấp dẫn bởi có những xung đột xảy ra (vd trong phim hành động thì là heroes vs villian, phim tình cảm thì là tình tay ba, người cũ người mới, quá khứ với hiện tại…) và khi xung đột được giải quyết, thì người xem thở phào nhẹ nhõm.

Ví dụ với phim BVS, mọi người đến xem vì mối xung đột giữa Batman và Superman, chứ nếu hai bác này làm bạn với nhau thì có gì để xem?
Xét với TH2 – trường hợp mà bạn chưa có kinh nghiệm gì để khoe: để câu chuyện của bạn hấp dẫn hơn , cách các bạn có thể làm là thể hiện có sự “xung đột” hoặc“tranh đấu” với quyết định lựa chọn công việc này, cụ thể hơn là bạn đang bước ra khỏi vùng comfort zone của mình để đến với cuộc hành trình sắp tới.
Bạn sẽ cần nêu ra được
+ Việc bạn “dám” bước ra khỏi vòng comfort zone này nó “khó khăn” và thử thách với bạn đến mức nào? – ở đây chính là sự “xung đột” tôi vừa nêu. (ví dụ phải cãi nhau nảy lửa với bố mẹ, phải làm một thứ không được dạy ở trường đại học,…)
+ Mặc dù “khó” và “nhiều thử thách” đến vậy, lý do gì khiến bạn vẫn quyết tâm thực hiện điều đó ( dù vậy tôi vẫn muốn làm công việc này vì tôi yêu công việc đó quá)
+ Ngoài ra, bạn cần phải thể hiện được “cách giải quyết cho xung đột” bạn vừa nêu, cụ thể là trả lời câu hỏi: Điều gì sẽ khiến bạn tin là bạn vượt qua được thử thách trên. Bắt buộc phải có thêm ý này, bởi vì mọi xung đột cần phải được giải quyết: Bạn nêu ra lý do bạn muốn công việc hoặc vị trí sắp tới nhưng bạn lại không nêu giải pháp của bạn để được nhận công việc và làm tốt nó, thì câu chuyện của bạn sẽ bị lửng lơ, khiến người nghe “chưng hửng”
*****
Thêm 1 ví dụ về 1 câu kinh điển nữa nhé:
“Điểm yếu của bạn là gì”
Google câu này, các bạn sẽ được lời khuyên chung chung như “hãy vừa nêu điểm yếu, nhưng đồng thời nêu ra giải pháp để khắc phục điểm yếu đó”.
Nhưng thay vì trả lời kiểu gạch đầu dòng “tôi có 3 điểm yếu là A, là B, là C…” , muốn cho nhà tuyển dụng bị thuyết phục và ấn tượng hơn, hãy kể cho họ câu chuyện gắn với 3 điểm yếu đó. Cố gắng kể câu chuyện có điểm khởi đầu, điểm kết thúc, nếu có thêm cả xung đột và kết quả thì càng tuyệt.
Ví dụ:
“Hồi tôi còn làm ở công ty cũ, có lần tôi được sếp giao triển khai dự án mới.
Với tôi đó là một cơ hội lớn, và ban đầu tôi rất lo sợ tôi làm hỏng việc. Nhưng rồi tôi vẫn quyết tâm nhận nhiệm vụ đó và dốc hết sức để làm. Tôi thức ngày thức đêm, vừa làm vừa kiểm tra vừa hỏi ý kiến người đi trước để tránh mắc sai phạm.
Kết quả là tôi làm hỏng việc thật. Một trong những lý do tôi đã làm hỏng việc là vì tôi bị dính 3 điểm yếu là A, là B, là C…. Cũng từ lần thất bại đó, tôi quyết tâm đặt mục tiêu là phải cải thiện A, B, C bằng những biện pháp như… Tới thời điểm hiện tại, tôi đã cải thiện được A và B, còn C thì chắc cả đời chả sửa được (đùa thế)”.
Nếu bạn để ý, câu chuyện trong ví dụ trên có đầy đủ các yếu tố:
Có điểm xuất phát là khi nhân vật chính bước ra khỏi vùng an toàn.
Có thử thách phải vượt qua, có kết quả và có bài học kinh nghiệm rút ra.
Nói chung có rất nhiều cách để sáng tạo với phương pháp Monomyth. Chúc bạn may mắn.
————————————————————————————————————–
II. THE MOUNTAIN – HÀNH TRÌNH VƯỢT NÚI

2.1. Định nghĩa

Mô hình này khá tương tự với Monomyth, khi sắp xếp các câu chuyện, sự kiện, thử thách… nối tiếp nhau, có điểm đầu và điểm kết thúc.
Điểm khác biệt khi sử dụng The Mountain so với Monomyth là:
Cái kết có thể là một “sad ending” , khác với Monomyth là khi người anh hùng của chúng ta thành công trở về.
Bạn muốn dành thời gian để nói về từng sự kiện, từng giai đoạn, từng kết quả nhỏ trong cả hành trình lớn bạn đang đi
2.2. Ứng dụng

Bạn dùng phương pháp “The Mountain” với mong muốn đạt được những mục tiêu sau:
Cho người nghe thấy được khả năng vượt qua thử thách của bạn.
Từng bước, từng bước… tạo sự “kịch tính” cho câu chuyện tổng thể.
Nhấn mạnh vào 1 cái kết hoành tráng (theo cả tích cực lẫn tiêu cực).
2.3. Áp dụng cho trả lời phỏng vấn

Nhắc đến đây, chắc các bạn sẽ nghĩ ngay đến câu hỏi kinh điển:
“Mô tả một tình huống khó khăn bạn đã từng gặp phải, và cách bạn đã làm để giải quyết tình huống đó.”
Hoặc, bạn cũng có thể dùng để trả lời câu hỏi:
“Thành tích bạn tự hào nhất là gì”
Cách thông thường để trả lời những dạng câu hỏi kể trên, là bạn kể ra tình huống, lý do bạn gặp phải tình huống, và nêu ra cách giải quyết tình huống (bước 1, bước 2, bước 3….), nêu ra kết quả cuối cùng (hoặc thất bại hoặc thành công). Nghe có vẻ giống đồ thị “The mountain” mà tôi vừa chia sẻ ở trên đúng không?
Còn nếu ứng dụng nghệ thuật kể chuyện, bạn sẽ phải làm các bước sau:
Phân chia được câu chuyện của mình thành các phần: Điểm khởi đầu, giai đoạn 1, giai đoạn 2…..điểm kết thúc
Ở mỗi giai đoạn, bạn phải có sự kiện diễn ra, phải nêu được cao trào, phải có xung đột, có phương án giải quyết xung đột và có kết quả (kết quả tốt hoặc ko tốt).
Thông qua cách làm trên, bạn sẽ:
Thể hiện được khả năng giải quyết tình huống của bản thân
Thể hiện được cá tính và phẩm chất cá nhân
Khiến nhà tuyển dụng bị cuốn hút hơn về bối cảnh bạn đã gặp phải, cảm thấy như mình là một phần của câu chuyện đó, từ đó thêm tin tưởng vào trải nghiệm cá nhân của bạn.
2.4. Ví dụ cụ thể:

Cách đây 2 năm khi làm cho tổ chức cũ, tôi được giao phụ trách một dự án mới, rất khó, nằm ngoài khả năng về kinh nghiệm và chuyên môn của tôi tại thời điểm đó < mở đầu câu chuyện >
Việc đầu tiên tôi nghĩ đến đó là hỏi kinh nghiệm những anh chị cùng công ty, để lên bản kế hoạch chi tiết cho dự án và lên trước những rủi ro có thể có. Sau hơn 3 ngày đêm liên tục làm việc và nhận feedback từ các anh chị, tôi đã xây dựng được bản timeline dự án vô cùng chi tiết và được sếp duyệt cho triển khai <sự kiện 1: vừa nêu khó khăn #1 vừa thể hiện khả năng giải quyết vấn đề + kết quả #1>.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, có nhiều khó khăn bất ngờ xảy đến, từ phía đối tác, thầu phụ cho đến phía nội bộ công ty <bắt đầu sự kiện 2, nêu khó khăn #2>. Thậm chí có thời điểm dự án gần như bị đứng lại, gây thiệt hại trực tiếp về tài chính và danh tiếng cho công ty <đẩy lên cao trào tí>
Lúc đó , tôi đã….. <mời bạn kể tiếp, kết thúc có hậu hoặc không có hậu, tuỳ bạn>
————————————————————————————————————–
III. False Start

(Mặc dù đây là kỹ thuật ưa thích của tôi, nhưng tôi vẫn không biết dịch thế nào cho đúng)

3.1. Định nghĩa

Đây là kỹ thuật kể chuyện cao cấp hơn, khi mà bạn kể một câu chuyện với một cái kết có vẻ dễ đoán trước, nhưng rồi vì 1 biến cố nào đó khiến cái kết dễ dự đoán đã không xảy ra, và nhân vật buộc phải bắt đầu lại từ đầu. Với kỹ thuật này, bạn sẽ khiến người nghe tưởng chừng như đã biết trước kết quả, thì bị bất ngờ và buộc phải tiếp tục lắng nghe để xem kết quả cuối cùng thực sự đã xảy ra là gì.
Kỹ thuật này đặc biệt hữu ích khi áp dụng trong trường hợp bạn muốn kể về thất bại bạn đã từng gặp, cách bạn đứng dậy và vượt qua thất bại đó. Cách này giúp bạn show off kinh nghiệm bạn đã thu nhận được sau thất bại, hoặc/ và sự sáng tạo của bạn khi tìm ra cách thức mới để giải quyết vấn đề.
Với tôi, thì tôi dùng kỹ thuật này đơn giản là để gây bất ngờ cho khán giả và khiến khán giả, khiến khái giả bị thu hút vào câu chuyện của tôi cho đến điểm cuối cùng.
3.2. Ứng dụng

Túm cái váy, False Start được sử dụng khi bạn mong muốn đạt được:
Sự bất ngờ cho người nghe, khiến người nghe bị cuốn hút
Nhấn mạnh vào thất bại bạn đã gặp, khó khăn bạn đã gặp, và khả năng đứng dậy sau thất bại của bạn.
3.3. Áp dụng khi trả lời phỏng vấn

Việc áp dụng thế nào thì hoàn toàn do bạn sáng tạo. Nếu bạn để ý, tôi đã áp dụng kỹ thuật này cho 1 trong những ví dụ ở đầu bài viết để trả lời cho câu hỏi “Điểm yếu của bạn là gì?”
“Hồi tôi còn làm ở công ty cũ, có lần tôi được sếp giao triển khai dự án mới. Với tôi đó là một cơ hội lớn, và ban đầu tôi rất lo sợ tôi làm hỏng việc. Nhưng rồi tôi vẫn quyết tâm nhận nhiệm vụ đó và dốc hết sức để làm. Tôi thức ngày thức đêm, vừa làm vừa kiểm tra vừa hỏi ý kiến người đi trước để tránh mắc sai phạm.
Cơ mà tôi làm hỏng việc thật. Một trong những lý do tôi đã làm hỏng việc là vì tôi bị dính 3 mắc điểm yếu là A, là B, là C…. Cũng từ lần thất bại đó, tôi quyết tâm đặt mục tiêu là phải cải thiện A, B, C bằng những biện pháp như…
Tôi bôi đậm đoạn mà tôi dùng kỹ thuật “false start”: lúc mà tôi bị thất bại. Tôi thể hiện rằng tôi rất quyết tâm đầu tư cho dự án -> người nghe sẽ mong chờ kết thúc có hậu, bởi vì làm việc chăm chỉ thì nên có kết thúc có hậu. Ấy vậy mà dự án vẫn thất bại.
Tất nhiên, đây là một kỹ thuật nâng cao, cần được rèn luyện và chuẩn bị tốt, nếu không sẽ bị lan man và khiến người nghe bối rối khi không hiểu câu chuyện đang dẫn đi đến đâu.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *