Bạn muốn có việc? Cần xin việc đúng cách!
Qua kinh nghiệm tuyển dụng, các nhà tư vấn cho rằng điều tối kị đối với các ứng viên là không nên đề cập đến
Mùa tuyển sinh ĐH bắt đầu rục rịch cũng là lúc một lượng lớn sinh viên ra trường đổ xô đi tìm việc làm, nhưng không phải ai cũng thành công khi đứng trước cơ hội có được việc làm như ý.
Nhà tuyển dụng đòi hỏi bạn điều gì? Xu hướng việc làm hiện nay ra sao? Kỹ năng nào để tìm được việc và thăng tiến?
Gây ấn tượng bằng đơn xin việc
Bà Tiêu Yến Trinh- chuyên viên nhân sự của PWHC (công ty kiểm toán Price Walter House Coopers) chia sẻ kinh nghiệm trình bày đơn xin việc qua trích dẫn câu nói của cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell: Không có thành công nào bí mật, đó chỉ là kết quả của sự chuẩn bị tốt, làm việc chăm chỉ và học hỏi từ chính thất bại của bản thân. Lời khuyên đưa ra là bằng mọi cách hãy tạo được ấn tượng tốt, dù chỉ là những điều nhỏ nhặt: biết được thông báo tuyển dụng từ nguồn nào, ghi đúng tên người nhận hồ sơ, một bức thư nhận xét của sếp cũ hay lời nhấn mạnh rất quan tâm đến vị trí đã chọn.
Giữa hàng trăm lá đơn xin việc, sự khác biệt từ lá đơn của bạn là một lợi thế đặc biệt. Nhà tuyển dụng có thể hình dung phần nào tiềm năng và giá trị của bạn qua CV (lý lịch) được sắp xếp ngay ngắn, nghiêm túc, trật tự bằng những chiếc…kẹp giấy. Hãy tự làm lấy đơn xin việc, trình bày rõ vị trí công việc mà bạn muốn có cùng mục tiêu phấn đấu trong tương lai, đừng gửi đi những hồ sơ mang tính cầu may. Nhà tuyển dụng luôn có ấn tượng tốt về sự năng động của ứng viên nhưng đừng biến sự khác biệt đó trở thành… khác thường. Chuyên viên Trinh dẫn chứng câu chuyện về một ứng viên nọ có chuyên môn rất giỏi, gửi đến PWHC một đơn xin việc chỉ có…4 dòng. Sau khi được tư vấn thêm, người này tiếp tục gửi đơn và một tháng sau nhận đã được một công việc rất tốt. Hay như một ứng viên khác từng làm việc cho tập đoàn Unilever gửi một CV dài….20 trang A4, kèm theo vô số hình…đám cưới, sinh nhật.
Đối với những sinh viên chưa có kinh nghiệm, một thủ thuật gây ấn tượng được các nhà tư vấn mách nước là đừng ngại ghi vào hồ sơ những việc làm thêm: dạy kèm, bán hàng, những buổi ngoại khoá đã dự, những chuyến thực tế…bởi tâm lý nhà tuyển dụng rất thích người năng động, từng trải và không muốn tốn thời gian đào tạo thêm.
Phỏng vấn: nên và không nên
Phỏng vấn tuyển dụng luôn có nhiều điều nên và không nên trình bày mà không phải ai cũng lường trước được. Hồ Quốc Ân- một người có nhiều kinh nghiệm phỏng vấn có mặt tại buổi thuyết trình này cho rằng: vui vẻ và thân thiện là điều nên làm, tránh để nhà tuyển dụng phủ đầu. Phải tạo được tư thế tự tin của mình và nên chuẩn bị sẵn vài câu hỏi ngược lại để nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thật sự quan tâm đến công ty. Điều nên tránh nữa được Ân bổ sung là không nên ngắt lời, không sử dụng tiếng lóng, từ địa phương, đây là yếu tố mà nhà tuyển dụng đánh giá được mức độ linh hoạt, khéo léo của ứng viên ở mức nào.
Qua kinh nghiệm tuyển dụng, các nhà tư vấn cho rằng điều tối kị đối với các ứng viên là không nên đề cập đến …lương, bởi đây là điều rất tế nhị. Nhưng khi buộc phải trả lời, hãy đưa ra một con số cụ thể chứ đừng thế nào cũng được vì phỏng vấn chính là một cuộc…đàm phán. Một nhược điểm khác được chuyên viên Trinh chỉ ra là nhiều ứng viên mắc lỗi thiếu tìm hiểu về công ty, dẫn đến những câu hỏi ngớ ngẩn như công ty ông sản xuất cái gì? hay Head & Shoulders là nhãn hiệu dầu gội của…Unilerver.
Nghề nào đem lại cơ hội?
Bà Tiêu Yến Trinh nhận định xu hướng việc làm hiện nay tập trung vào những ngành mang tính chất dịch vụ. Theo đó những ngành như marketing, PR, quảng cáo, công nghệ thông tin
sẽ thu hút một lượng lớn lao động và cơ hội làm việc trong những lĩnh vực này sẽ mở rộng cho nhiều bạn trẻ. Kinh tế dịch vụ bùng nổ-mà quảng cáo là bằng chứng sinh động nhất- cho thấy một thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng làm cho xu hướng tuyển dụng của các công ty cũng có sự thay đổi. Yêu cầu của những nhà tuyển dụng hiện nay đòi hỏi nhiều khả năng làm việc độc lập của nhân viên, biết thích ứng với môi trường làm việc và khả năng kết hợp làm việc theo nhóm. Tuy nhiên đây lại là hạn chế lớn của sinh viên mới ra trường, vốn chỉ quen tiếp nhận kiến thức lý thuyết, trong khi tâm lý của nhà tuyển dụng không muốn tốn thời gian đào tạo lại.
Leave a Reply